Facebook Facebook Facebook Facebook

Chỉ số mức độ sẵn sàng về công nghệ của Việt Nam tăng mạnh


Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, chỉ số Mức độ sẵn sàng về công nghệ của Việt Nam có mức tăng điểm mạnh và tăng 13 bậc, từ vị trí 92 lên vị trí 79.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có sự cải thiện và tăng hạng vượt bậc.

Dẫn lại Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 nền kinh tế (tăng 5 bậc, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN).

Tính chung trong 5 năm, Việt Nam tăng tới 20 bậc. Xếp thứ 55 cũng là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Trước đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017, Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí thứ 91 lên vị trí thứ 82/190 nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất kể từ năm 2008.

Tháng 6/2017, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017, theo đó Việt Nam ở vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 59 của năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.

Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan (vị trí 51).

Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay.

Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.680 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Phân tích cụ thể hơn về việc Việt Nam tăng 5 bậc năng lực cạnh tranh theo xếp hạng mới đây của WEF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam có 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm và 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc. Trong đó, chỉ số Mức độ sẵn sàng về công nghệ có mức tăng điểm và tăng bậc nhiều nhất (13 bậc, từ vị trí 92 lên vị trí 79); tiếp đến là chỉ số Phát triển thị trường tài chính (tăng 7 bậc).

Tuy vậy, vẫn còn nhiều trụ cột chưa được cải thiện hoặc mức độ cải thiện chưa bền vững. Cụ thể là trụ cột thể chế (tăng 3 bậc); hiệu quả thị trường lao động (tăng 6 bậc), nhưng không tăng điểm.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay cũng chỉ ra rằng đã có một số nước bị giảm điểm trên một vài trụ cột, dẫn tới những trụ cột này của các nước khác có thể tăng hạng dù không tăng điểm.

Trình độ phát triển kinh doanh tuy có mức tăng điểm nhẹ (0,1 điểm), nhưng thứ hạng giảm 4 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 100). Điều này thể hiện qua sự giảm điểm và giảm bậc về chất lượng và số lượng doanh nghiệp cung ứng, mức độ phát triển cụm ngành.

Vẫn còn 4/12 chỉ số trụ cột giảm bậc, trong đó giảm nhiều nhất là Hiệu quả thị trường hàng hoá (giảm điểm và giảm 10 bậc), thể hiện ở sự suy giảm mức độ cạnh tranh (hiệu lực của chính sách chống độc quyền kém, môi trường kinh doanh không thuận lợi) và chất lượng các điều kiện cầu giảm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nhìn chung, mặc dù thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng bậc, nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, bởi điểm số của một nửa số trụ cột (6/12) vẫn chưa được cải thiện. Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về xếp hạng năng lực cạnh tranh, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Brunei.

Ngoài ra, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng lưu ý rằng có 13 trong số 17 nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương được ghi nhận cải thiện về điểm số, trong đó Indonesia và Brunei có sự thay đổi lớn nhất. Đây cũng là 2 nền kinh tế có sự tăng hạng đáng kể về môi trường kinh doanh năm 2016 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

“Bởi vậy, để đạt được mức độ trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét