Quả bí đỏ bọc trứng và sữa hay những sợi mì vàng được hòa quyện với trứng gà, hạt thốt nốt, hạt me... tại quán chè có tuổi đời hơn 40 năm đã góp thêm sự phong phú của chè Sài Gòn.
Ở Sài Gòn nhắc đến món ăn vặt mà giới trẻ yêu thích thì không thể không nhắc đến chè. Thời gian này, tiết trời ở Sài Gòn luôn nắng nóng và oi bức, nếu được thưởng thức một chén chè mới lạ thì thật thú vị. Nằm lọt thỏm trong lòng chợ Lê Hồng Phong (quận 10, TP. HCM), quán chè Miên - tên gọi khác là chè Campuchia hơn 40 năm qua đã "hút hồn" biết bao người Sài Gòn.
Chợ Lê Hồng Phong trước kia có nhiều quầy bán chè Campuchia nguyên bản, nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất quán chè bé xíu của chị Có.
Chị Có nối nghiệp mẹ bán chè tới nay.
Chị Có cho biết, mẹ của chị (tên Huôi) đã bán chè từ hồi ở Campuchia, khi về Việt Nam lại tiếp tục bán món chè này. Lúc ấy, chị chỉ mới 13 tuổi nhưng đã phụ mẹ bán chè. Khi mẹ nghỉ bán thì chị nối nghiệp cho tới nay.
Trừ cái vị nước cốt dừa béo, thơm sầu riêng, thì chè này hoàn toàn khác hẳn chè Thái. Món chè Campuchia chỉ gồm một vài nguyên liệu cơ bản như sữa tươi, cốt dừa, sầu riêng, thốt nốt, bí đỏ, lòng đỏ trứng… Hương vị sầu riêng hoà với vị béo của sữa tươi, nước cốt dừa, mằn mặn của lòng đỏ trứng cũng đủ tạo nên nét đặc trưng của chè.
Quầy chè của chị Có.
Mỗi loại chè là một hương vị riêng, nhưng sắc màu ẩm thực Campuchia không thể lẫn vào đâu.
Quán chè của chị Có tất cả chè đều nấu từ đường thốt nốt, có vị đậm đà thơm mát tự nhiên mà lại không quá gắt.
Món dừa thốt nốt trông tươi mát khó cưỡng lại trong mùa nắng nóng của Sài Gòn.
Những nguyên vật liệu làm nên món chè này được chuyển về từ Campuchia hàng tuần theo các chuyến xe đi về Campuchia - Sài Gòn, bởi vậy nên rất tươi mới.
Chè trôi nước được làm theo cách của người Campuchia.
Món chè hột me trông thật hấp dẫn và để hoàn thành món này không phải dễ dàng.
Chị Có chia sẻ: "Nấu chè hột me kỳ công lắm, hột me phải được rang lên, đập vỏ, phơi nắng rồi ngâm nước, tách vỏ mới có thể thơm mềm không khác gì hạt đậu".
Những sợi mì vàng làm từ lòng đỏ trứng gà.
Mì trứng gà được ăn kèm với nước đường thốt nốt và nước cốt dừa.
Thành phần duy nhất của món ăn là lòng đỏ trứng kéo thành sợi như sợi mì thơm ngon luôn hấp dẫn thực khách.
Có lẽ món độc đáo nhất là chè bí chưng (tiếng Campuchia gọi là num-à-pơi, người Sài Gòn thì quen gọi là bí trứng sữa).
Phải lựa loại bí ngô nhỏ xinh, nạo rỗng ruột rồi đổ vào đó hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng đã đánh lên, rồi cuối cùng mới đem hấp cách thủy.
Chính vì nhiều loại nhân được hòa trộn với nhau nên món chè này vừa có màu vàng ươm tự nhiên, cùng mùi beo béo của dừa, vị ngọt thanh, bùi bùi của bí, của hột gà hòa cùng sữa, ngon không thể tả hết.
Để có được những nồi chè thơm ngon, mỗi ngày chị Có phải mất nhiều thời gian chuẩn bị với các kiểu nấu kỳ công nên mỗi chén được bán với giá 15.000 đồng/chén thập cẩm. Những người đến thưởng thức chè Campuchia với đủ mọi thành phần từ người lớn tới trẻ nhỏ chứ không riêng gì giới trẻ mê ẩm thực.
Nhiều người cũng thích một ly chè thốt nốt giản dị, không màu mè, giòn dai.
Nếu những ai đi chợ Campuchia mà không thử loại chè của xứ Chùa tháp thì sẽ thấy gì đó thiếu thiếu.
Cụ bà này cho biết nghe con cháu nhắc đến món chè lạ nên phải cũng phải đi thưởng thức và cụ rất thích sau lần đầu ăn chè Campuchia.
Ngon, bổ, rẻ đã là thương hiệu của quán chè trong chừng đó năm, do vậy ngoài thưởng thức tại chỗ, khách đến đây còn mua chè về ăn với số lượng nhiều.
Suốt hơn 40 năm qua, quán chè bé xíu của chị Có với đủ hương vị ngọt, mặn, bùi, béo hòa quyện ăn ý với nhau để làm nên món chè độc đáo, có một không hai ở Sài Gòn.
Nguồn: Tứ Quý / Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét